Chuyên mục được quan tâm nhất

Giàu có hay Nghèo túng � Tất cả là do bạn quyết định!

Giàu có hay nghèo túng? Có vẻ như là một câu hỏi dễ dàng cho tất cả mọi người. Thế nhưng bên cạnh những người phó mặc tương lai cho số phận hay đi tìm sự “bình yên”, lại có những con người luôn mang trong đầu tư tưởng phải giàu có.

Lại thêm một đại gia tậu xe hơi cao cấp với giá hơn 25 tỉ đồng. Thử làm một phép tính nhỏ, nếu một người lao động một tháng dành dụm 5 triệu đồng – cứ cho là thế đi (trên thực tế thì không có nhiều người có được mức thu nhập này), người đó có thể mua được chiếc xe ấy trong vòng 500 năm. Kết quả của phép tính ấy có thể chỉ đưa đến cho bạn một nụ cười mỉm vì sự xa vời của cái giàu có. Nhưng thực tế là đã có rất nhiều người đã mua được những sản phẩm đắt đỏ như vậy.

Làm sao người ta giàu “nứt đố đổ vách” như thế nhỉ? Con đường làm giàu của các tỉ phú thì có trăm ngàn cách, nhưng cái chung nhất của họ chính là cách nghĩ, cách họ dám làm hay gọi chung là tư tưởng làm giàu. Tại sao phải xây dựng tư tưởng làm giàu? Hiếu Học xin đề cập vấn đề đó trong một thời điểm gần sắp tới. Bài viết này chỉ xin chỉ ra những điểm cơ bản nhất trong tư tưởng của một người dám làm giàu, một người tỉ phú trong hiện tại hoặc tương lai.

Đồng tiền và hạnh phúc


Trở lại với một chiếc siêu xe, hay một căn biệt thự nguy nga tráng lệ, tất cả những hình ảnh đó mang đến cho bạn những phút giây thư giãn hay một khát khao sở hữu được tất cả một cách nghiêm túc. Có những người nhìn cách tiêu tiền của đại gia là phung phí, có những người cho rằng họ có tiền thì thích dùng sao cũng được. Nhiều người lại chê bai người giàu không biết tiết kiệm, không biết quý trọng đồng tiền.

Thật ra, chính người giàu mới chính là những người coi trọng giá trị đồng tiền nhiều nhất. Họ hiểu rõ giá trị, sức mạnh và những yếu điểm của nó nên luôn tiêu xài có chủ đích. Người giàu làm ra rất nhiều tiền, và họ cũng tốn không ít công sức, mồ hôi cho những đồng tiền đó. Vì vậy, họ tiêu xài để phục vụ, để bù đắp cho bản thân của mình. Họ có thể bỏ hàng tỉ đô để mua một chiếc du thuyền, một chiếc máy bay,vừa để tận hưởng, vừa để khếch trương thanh thế nhưng khó mà họ chịu đầu tư vài trăm triệu đồng cho một dự án không sinh lời.

Nhiều người quan điểm, “được cái này thì mất cái kia”. Từ đó, họ mang quan điểm không cần phải giàu có, không cần bon chen, không cần quan tâm đến những thứ quá xa vời mà chủ yếu là có một cuộc sống thanh thản. Giàu có làm gì khi mà suốt ngày phải tối mắt tối mũi với công việc, không lo lắng được cho gia đình sinh ra vợ chồng, con cái hư hỏng. Giàu có làm gì khi mà phải mang danh “bóc lột”, o ép người khác?  Họ luôn nói vậy nhưng họ không hề biết rằng người đóng góp cho xã hội nhiều nhất (tạo công ăn việc làm, phát triển khoa học kỹ thuật, văn hóa, các quỹ từ thiện, học bổng…) lại chính là những người giàu có nhất. và cũng trên thực tế, tinh thần và vật chất là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Làm giàu hai thứ đó như thế nào đều nằm trong tầm tay mỗi người chứ không phải là muốn được cái nọ thì phải mất cái kia. So sánh sự quan trọng của vật chất và tinh thần cũng giống như so sánh tay và chân trên cơ thể.

Làm tỉ phú – “xa vời” quá

Tài sản của bạn trong 5 năm tới sẽ là bao nhiêu? 100 triệu? 1tỉ? hay 100 tỉ, 1000 tỉ? Đối với nhiều người, như sinh viên chẳng hạn, 1triệu là số tiền lớn, nhưng với một số người khác, 1 tỉ vẫn là túng thiếu. Nếu đang là một sinh viên, thậm chí là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, có bao giờ bạn nghĩ bạn sẽ là chủ một công ty lớn, có thể mua chiếc điện thoại vài ngàn đô, có thể ăn tối trong một nhà hàng sang trọng với hóa đơn vài chục triệu đồng? Với nhiều người, tất cả còn là tương lai, nhưng với một số người khác, họ đã nghĩ đến từ ngày hôm qua.

Nhìn sự thành công của nhiều đại gia, ông trùm, nhiều người xuýt xoa, nể phục nhưng có mấy ai thấy được cái tư tưởng khởi đầu của họ. Đó là 1 người sinh viên đang theo học một ngành nhiều triển vọng tại ĐH bậc nhất nước Mỹ mà dám bỏ ngang để thành lập công ty phần mềm riêng, ban đầu chỉ có vài người nhưng bây giờ công ty ấy là Microsoft. Còn rất nhiều gương sáng “xa vời” khác, nhiều đại gia, tỉ phú từ Việt Nam đến thế giới cũng rất “xa vời” nhưng cũng đều khởi đầu là một người sinh viên, một người lao động, một công việc lao động rất bình thường như bao người. Chỉ khác ở chỗ, tại những thời điểm còn chưa giàu ấy, chưa có kế hoạch cụ thể cho việc làm giàu, họ đã có tư tưởng phải giàu, phải nắm trong tay nhiều tỉ đôla trong tương lai.

Phải có tư tưởng làm giàu bởi vì…

Là sinh viên ĐH Harvard - ĐH hàng đầu thế giới, nhưng Bill Gates không thỏa mãn với những gì mình đang có. Là công nhân một xưởng gỗ, nhưng Bầu Đức – chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai không đổ lỗi cho hoàn cảnh của mình. Còn rất nhiều thành công khác đều xuất phát từ tư tưởng, từ cách nghĩ dám làm giàu, dám dấn thân vào nhưng điều không tưởng. Người ta nói: “Bạn là người bạn nghĩ”. Nếu không dám nghĩ mình có khả năng vượt lên, không có tư tưởng làm giàu thì đến khi nào ý tưởng làm giàu của bạn mới nảy ra và đến khi nào bạn mới thật sự giàu có. Thành công và tiền bạc không chỉ đến với “con nhà tông”, những người có cha mẹ giàu có hay những sinh viên học thật giỏi trong trường ĐH. Thành công của mỗi người đến từ tư tưởng dám làm giàu, dám vượt qua tất cả trở ngại xung quanh, vượt qua chính bản thân để đạt đến những cái “xa vời” mà nhiều người không nghĩ đến.

sưu tầm

1 comments:

NGUYEN TUAN ANH said...

Cám ơn bài viết của bạn, mình rất thích ý tưởng đó. Chúc bạn luôn gặp nhiều may mắn và thành công.

Liên hệ với mình nhé văn phòng giao dịch.

Post a Comment